CHIA SẺ

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC CHÔM CHÔM THÁI ĐẾN KHI THU HOẠCH

Trong bài viết hướng dẫn về kỹ thuật trồng Chôm Chôm Thái, chúng tôi đã hướng dẫn bà con về cách che nắng cho cây giống bằng tàu dừa và cắm cọc giúp cây con khỏi bị tốc gốc bà con đã nắm được một số kỹ thuật để chăm sóc bảo vệ cây non. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con chi tiết về cách chăm sóc Cây Chôm Chôm Thái từ lúc nhỏ đến khi thu hoạch.


Cách chăm sóc Cây Chôm Chôm Thái để thu hoạch

Tưới nước cho Chôm Chôm Thái

Tưới nước là một trong những việc làm bắt buộc cho mọi cây giống. Nếu bà con trồng vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ công tưới nước. Nếu bà con trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho Chôm Chôm Thái ít nhất 1 tháng đầu. Ngày tưới từ 1-2 lần vào buổi sáng hoặc chiều.

Tuy nhiên, bà con lưu ý nếu trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng, hay tưới quá nhiều nước dễ dẫn đến thoái hóa rễ do đó chúng ta nên xem xét tưới khi nào cần thiết.

Cắt tỉa cành cho Chôm Chôm Thái

Việc cắt tỉa bà con cần tiến hành đều đặn trong suốt 18 tháng đầu trồng cây. Đặc biệt trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khoẻ mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây.


Cắt tỉa cành cho Chôm Chôm Thái

Ngay sau khi trồng, bà con nên cắt ngọn khi cây ở độ cao 60 cm đến 70 cm. Sau khi ngọn bị cắt sẽ có những cành mọc ra từ gốc và thân cây, bà con nên chọn để lại những cành khỏe mập mọc cách xa nhau vừa phải, khoảng từ 4-5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 70 cm. Khi các cành này mọc dài ra thì bà con cắt ngọn chỉ chừa lại chiều dài khoảng 30-40 cm tính từ chỗ chạc lên.

Sau khi cây được 18 tháng thì bà con không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa những cành vô ích như: cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh,…

Bón phân cho Chôm Chôm Thái

Chôm Chôm Thái có nhu cầu cao đối với N và K, cây sẽ bị bệnh khô cháy đầu lá nếu thiếu K. Bà con có thể bón phân cho Chôm Chôm theo hướng dẫn sau:

Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1-1,5 tháng bà con bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 50-100 g NPK(15:15:15), xịt bổ sung phân bón lá vi lượng như: number one hay Fetrilon-combi theo liều hướng dẫn, mục đích giúp cây có đủ dưỡng chất và chất vi lượng cần thiết khi bộ dễ chưa bén đất.


Bón phân cho Cây Chôm Chôm Thái

Phân NPK, bà con nên pha loãng với nước dùng bình vòi sen tưới quanh gốc hay rải đều phân một vòng tròn xung quanh gốc và phủ một lớp đất mỏng lên trên. Bà con chú ý sau mỗi lần rải hay tưới phân nên cách xa gốc thêm 5-10 cm sẽ tạo điều kiện cho rễ cây vươn xa, cây sẽ phát triển nhanh và hạn chế đổ ngã khi có gió.

Năm thứ 2: lượng bón cho một gốc: 100g N+50g K2O (200g urê+80g KCl). Bà con chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Năm thứ 3:
Khi cây bắt đầu cho quả, lượng bón cho một cây là: 1,5 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2. Bà con chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.

Năm thứ 4: Lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Bà con giữ nguyên tỷ lệ NPK là 2:1:2 và chia thành 4 lần để bón:

+ Lần 1: sau khi thu hoạch quả tiến hành tỉa cành, bón toàn bộ lân, 1/3N và 1/3 K2O.

+ Lần 2: trước khi nở hoa: bón 1/3N.

+ Lần 3: khi quả có đường kính 1-2cm. Bón 1/3 N và 1/3 K2O.

+ Lần 4: trước khi thu hoạch 1 tháng: Bón 1/3 kali.

Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên:2-3 kg NPK cho một cây trong 1 năm và 10-30 kg phân chuồng. Với năng suất 7,3 tấn/ha quả, Chôm Chôm lấy đi từ đất : 1,5kg N, 2kg P2O5 ; 11,7kg K2O; 5,9kg Ca; 2,7kg Mg trên 1ha. Vì vậy, bà con cần thiết bón phân hàng năm cho cây để đảm bảo giữ năng suất quả ổn định trong nhiều năm.